Nguyễn Giang và niềm đam mê nhà gỗ Việt.
KTS Nguyễn Giang sinh ra và lớn lên từ làng mộc truyền thống Chàng Sơn nên sau khi tốt nghiệp Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Xây dựng, anh đã đi làm ở một vài công ty thiết kế, xây dựng để học hỏi thêm kinh nghiệm và sau đó về tự lập nghiệp.
Lúc mới lập nghiệp Nguyễn Giang gặp khá nhiều khó khăn về việc đầu tư nhà xưởng và kinh nghiệm thực tế. KTS Nguyễn Giang nhớ lại, khi bắt tay vào thực hiện công trình nhà gỗ đầu tiên ở Hưng Yên, suốt nhiều tháng ròng, anh đo đạc các cấu kiện, đánh giá mức độ hư hại và tìm cách thay thế. Ngày dựng xong nhà, khách hàng không ưng ý, anh vẫn không nản lòng mà tháo ra làm lại từ đầu. Đây là công trình đầu tiên nhưng cũng là bài học để anh rút kinh nghiệm cho các công trình về sau.
Thế rồi bằng niềm đam mê và sự tìm hiểu qua những chuyến đi thực tế, anh đã bắt đầu sáng tạo hơn khi cải tiến những căn nhà gỗ truyền thống để phù hợp với đời sống hiện đại bằng việc tích hợp nhiều công năng. Từ đó, Nguyễn Giang quan niệm rằng, việc giữ gìn những nét tinh hoa cổ truyền đòi hỏi phải có sự sáng tạo và điều chỉnh phù hợp để bắt kịp với những thay đổi của thời đại.
![]() KTS Nguyễn Giang, người đam mê và tâm huyết với nghề làm nhà gỗ truyền thống. Ảnh: Tất Sơn ![]() KTS Nguyễn Giang rất coi trọng việc ứng dụng nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống trong các công trình của mình. Ảnh: Tất Sơn ![]() Anh luôn trực tiếp giám sát việc thi công ngay tại công trình. Ảnh: Tất Sơn ![]() Xưởng sản xuất các cấu kiện nhà gỗ của Nguyễn Giang đặt tại làng gỗ truyền thống Chàng Sơn. Ảnh: Tất Sơn ![]() Một ngôi nhà gỗ do KTS Nguyễn Giang thiết kế thi công ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu ![]() Hệ thống kết cấu khung nhà gỗ của KTS Nguyễn Giang được thi công theo đúng kỹ thuật và phong cách truyền thống. Ảnh: Tư liệu ![]() KTS Nguyễn Giang thường có sự bàn bạc kĩ lưỡng với các nghệ nhân có kinh nghiệm của làng nghề trong việc chọn lựa hoa văn, họa tiết và các mô típ nghệ thuật dân gian truyền thống để chạm khắc trên các cấu kiện trước khi đưa vào thi công. Ảnh: Tất Sơn ![]() KTS Nguyễn Giang cho biết, việc thường xuyên trao đổi với các nghệ nhân cũng giúp cho anh học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu về nghề. Ảnh: Tất Sơn
|
Dưới bàn tay thiết kế của anh, kiến trúc bên trong những ngôi nhà gỗ trông tinh tế và tiện nghi hơn so với kiểu nhà làm thuần túy theo lối truyền thống, vì có sự kết hợp hài hòa giữa không gian phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp, khu vệ sinh… giúp cho chủ nhân ngôi nhà cảm thấy thoải mái trong không gian sống của mình. Hệ thống mái ngói của ngôi nhà cũng được chú ý thiết kế có độ dốc phù hợp với đặc điểm khí hậu riêng của từng vùng miền. Đặc biệt, trong những thiết kế của mình, Nguyễn Giang luôn tận dụng những khoảng trống để mang ánh sáng tự nhiên vào không gian sống trong ngôi nhà.
Dấu ấn trong những ngôi nhà gỗ do kiến trúc sư Nguyễn Giang thiết kế chính là những nét chạm trổ hoa văn, họa tiết mang hơi thở dân gian Việt Nam. Việc chạm trổ những đường nét hoa văn này do chính những người thợ mộc lành nghề của làng Chàng Sơn thực hiện. Đây cũng chính là cách anh đang cố gắng để gìn giữ và phát huy những tinh hoa nghề mộc của quê hương trong công việc của mình.
Đến nay, những công trình nhà gỗ mang thương hiệu Gỗ Giang do KTS Nguyễn Giang xây dựng theo lối truyền thống đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa… cho đến các tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, với tay nghề khéo léo của mình, anh còn phục dựng, mô phỏng những hoa văn, kiến trúc truyền thống của người Việt để phục vụ cho công tác trùng tu, lưu giữ tại các bảo tàng. Bên cạnh đó, Nguyễn Giang còn tham gia Câu lạc bộ Đình làng Việt Nam thực hiện một số chương trình trong việc bảo tồn những nét văn hóa xưa của người Việt./.